Thứ nhất, mỗi loại vắc xin hoạt động theo cách khác nhau. Pfizer-BioNTech và Moderna phát triển sản phẩm dựa trên công nghệ mRNA, còn J&J dùng công nghệ vector adenovirus. Do cách thức hệ miễn dịch được "huấn luyện" khác nhau, các thông số hiệu năng cũng khác theo.
Thứ hai, mỗi vắc xin có phác đồ tiêm khác nhau. Pfizer và Moderna cần 2 liều, cách nhau lần lượt là 21 và 28 ngày, còn J&J chỉ cần liều duy nhất. Hiện các nhà khoa học của J&J đang thử nghiệm khả năng tiêm liều thứ 2 để tăng cường miễn dịch.
Thứ ba, các công ty dược bắt đầu ghi nhận triệu chứng COVID-19 theo các mốc thời gian khác nhau. Pfizer bắt đầu sau 7 ngày tính từ lúc người tình nguyện tiêm liều thứ 2 (hoặc giả dược), Moderna là 14 ngày sau liều thứ 2, còn J&J ghi nhận sau 14 và 28 ngày.
Thứ tư, 3 loại vắc xin trên được thử nghiệm vào các thời điểm khác nhau. Đây là điều quan trọng vì các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 chỉ mới xuất hiện phổ biến trong vài tháng trở lại đây, sau khi một số công ty dược đã hoàn thành xong thử nghiệm giai đoạn đầu.
Pfizer và Moderna thử nghiệm vắc xin trong năm 2020, khi đó virus chưa đột biến nhiều và phần lớn tình nguyện viên chỉ nhiễm cùng một chủng virus. J&J thì bắt đầu từ tháng 9-2020 và bao gồm cả người dân ở Anh, Nam Phi và Brazil - những nơi có biến thể virus mới.
Ở góc độ khoa học, điều đó có nghĩa nghiên cứu của J&J cung cấp manh mối quan trọng về khả năng của vắc xin trước các biến thể mới. Nó có thể giải thích tại sao hiệu năng của vắc xin này thấp hơn của Pfizer và Moderna.
Vì những lý do trên, so sánh các loại vắc xin khác nhau giống như so sánh quả táo và quả cam. Cái chính là chúng có đạt được tiêu chuẩn hiệu năng không, chẳng hạn FDA của Mỹ quy định tối thiểu phải là 50% và trên hết vắc xin giúp người nhiễm COVID-19 ít bị bệnh nặng, giảm bớt nguy cơ tử vong.